Hàn Quốc bắt đầu giảm thời gian làm việc tối đa xuống 52 giờ/tuần
09/07/2018 GMT+7
Hàn Quốc bắt đầu giảm thời gian làm việc tối đa xuống 52 giờ/tuần
Hàn Quốc bắt đầu giảm thời gian làm việc tối đa xuống 52 giờ/tuần 
2018-07-02
Quy định thời gian làm việc tối đa 52 giờ/tuần bắt đầu có hiệu lực
Người lao động Hàn Quốc đang có cơ hội để tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc
sống và công việc khi Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi chính thức có
hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua. Cụ thể, theo luật mới, số giờ làm việc
tối đa trong một tuần sẽ giảm từ 68 giờ xuống 52 giờ, rút ngắn tới 16
giờ. Tương tự như luật quy định làm việc năm ngày một tuần vào năm 2004,
luật mới về thời gian làm việc tối đa trong tuần hứa hẹn sẽ mang lại
thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần
này, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, sẽ
phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
Giảm số giờ làm việc là một trong những cam kết được Tổng thống Moon
Jae-in đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Theo đó, Chính phủ có kế hoạch
giảm số giờ làm việc xuống còn 1.800 giờ/năm, gần với mức trung bình của
các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm
2020. Cụ thể, kể từ ngày 1/7 năm nay, các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước
có quy mô từ 300 nhân viên trở lên phải giảm số giờ làm việc xuống còn
52 giờ/tuần, bao gồm 40 giờ làm việc chính thức và tối đa 12 giờ làm
thêm. Các công ty có từ 50 đến 299 nhân viên sẽ phải thực thi quy định
mới này kể từ ngày 1/1/2020, trong khi các công ty có từ 5 đến 49 nhân
viên sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2021.
Thử nghiệm chế độ giờ làm việc linh hoạt tại các tập đoàn lớn
Với việc giảm số giờ làm việc, người lao động Hàn Quốc sẽ có nhiều thời
gian nghỉ ngơi hơn và cải thiện năng suất lao động. Trung bình, mỗi
người lao động Hàn Quốc làm việc khoảng 2.052 giờ/năm, cao hơn nhiều so
với mức trung bình 1.707 giờ/năm của các nước trong Tổ chức hợp tác và
phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó, người lao động Hàn Quốc lại có
năng suất lao động kém xa nhiều nước trong tổ chức này, khi thu nhập
trung bình của người lao động Hàn Quốc là 34,4 USD/giờ, thấp hơn tới 17
USD/giờ so với mức trung bình 52 USD/giờ của các nước OECD. Thời gian
làm việc dài dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, khiến
người lao động mất đi hứng thú làm việc và giảm năng suất lao động.
Trước tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định rút ngắn số giờ
làm việc tối đa trong tuần. Ngoài ra, bằng cách áp dụng Luật tiêu chuẩn
lao động sửa đổi, Chính phủ cũng hy vọng sẽ tạo ra thêm 180.000 việc
làm. Thời gian giải trí nhiều hơn có thể giúp cải thiện tiêu dùng và
thúc đẩy các ngành công nghiệp du lịch và giáo dục. Trước những lợi ích
thiết thực đó, nhiều tập đoàn lớn đã thử nghiệm các mô hình làm việc
khác nhau để chuẩn bị cho chế độ thời gian làm việc tối đa 52 giờ/tuần.
Giám đốc Lee In-chul phân tích một số mô hình.
Công ty điện tử Samsung, doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, đã áp dụng thử
nghiệm quy định thời gian làm việc tối đa 52 giờ/tuần kể từ tháng 10 năm
ngoái. Doanh nghiệp này cũng đã thử nghiệm một chế độ thời gian làm
việc mới từ ngày 15/1 năm nay, nhằm cắt giảm số giờ làm việc không hiệu
quả. Ngoài ra, người đứng đầu các nhóm và các bộ phận của công ty sẽ
nhận đánh giá thấp nếu để các nhân viên trực thuộc làm việc quá 52
giờ/tuần. Tập đoàn Samsung cũng vận hành chế độ thời gian biểu linh
hoạt, cho phép các nhân viên tự điều chỉnh thời gian biểu cho phù hợp,
miễn là họ đảm bảo tiến độ công việc theo số giờ quy định, bên cạnh thời
gian làm việc thông thường là từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tương tự,
Công ty điện tử LG cũng thử nghiệm chế độ làm việc 40 giờ/tuần cho các
nhân viên văn phòng kể từ tháng 2 năm nay, và mở rộng số giờ làm việc
tối đa 52 giờ/tuần cho tất cả các nhân viên kể từ tháng 3. Ngoài ra,
nhân viên của công ty cũng được quyền lựa chọn ngày nghỉ vào giữa tuần
nếu họ phải làm việc vào cuối tuần.
Gánh nặng của người lao động và giới chủ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc đã thử nghiệm các mô hình giờ làm việc
khác nhau như chế độ thời gian linh hoạt, cho phép nhân viên tự điều
chỉnh thời gian làm việc để nâng cấp mô hình làm việc hiện thời. Một số
doanh nghiệp còn tách biệt thời gian làm việc chính thức và giờ làm
thêm, đóng cửa các phòng hút thuốc và tắt máy tính cá nhân sau giờ làm
việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đứng trước bài toán
nan giải trước quy định mới về thời gian làm việc tối đa trong tuần.
Giám đốc Lee In-chul giải thích rõ hơn.
Cả giới chủ và người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tỏ ra
lo lắng với Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi. Trong khi nhân viên lo
ngại thu nhập giảm, thì chủ sử dụng lao động lại băn khoăn về việc phải
tăng chi phí nhân công do phải tuyển dụng thêm nhân viên. Theo ước tính
của Văn phòng ngân sách Quốc hội Hàn Quốc, với việc áp dụng luật mới,
lương của những người lao động từng có thời gian làm việc dài hơn 52
giờ/tuần, có thể bị giảm khoảng 377.000 won (340 USD)/tháng, chiếm
khoảng 11% mức lương trung bình của họ là 3,28 triệu won (2.950
USD)/tháng. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động cũng phải chịu tổn thất
do chi phí nhân công tăng. Theo Viện nghiên cứu các doanh nghiệp vừa và
nhỏ Hàn Quốc, quy định mới về thời gian làm việc tối đa trong tuần có
thể khiến chi phí nhân công tăng thêm 12.300 tỷ won/năm (11 tỷ USD),
trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô ít hơn 300 nhân viên sẽ
phải gánh 70% con số này, tức là khoảng 8.600 tỷ won (7,7 tỷ USD).
Đối sách nào giúp chế độ làm việc tối đa 52 giờ/tuần thực sự mang lại hiệu quả?
Một số doanh nghiệp, như các công ty xây dựng, sẽ gặp khó khăn với quy
định mới về thời gian làm việc tối đa trong tuần. Cụ thể, ngành xây dựng
chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, như công việc có xu hướng chậm lại
vào ngày nóng, và có thể kéo dài hơn nếu thời tiết thuận lợi, rất khó có
thể đáp ứng theo quy định này. Nếu các doanh nghiệp xây dựng buộc phải
áp dụng Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi, công nhân có thể bị buộc phải
làm việc kéo dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gây lo ngại lớn
về vấn đề an toàn lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành
công nghiệp tài chính hay công nghệ thông tin, những lĩnh vực thậm chí
phải đảm bảo hệ thống hoạt động cả ngày lẫn đêm, cũng sẽ phải chuẩn bị
phương án thay thế để đáp ứng chế độ giờ làm việc mới. Trước những vấn
đề này, ngày càng có nhiều người kêu gọi Chính phủ đề ra các quy định bổ
sung trong giai đoạn đầu triển khai quy định mới. Ông Lee In-chul cho
biết.
Sau tất cả, câu hỏi lớn nhất vẫn là chi phí. Bất kể doanh nghiệp vừa và
nhỏ hay doanh nghiệp lớn đều phải đối mặt với vấn đề này bởi chi phí
nhân công sẽ tăng lên. Nhiều ý kiến lo ngại liệu Chính phủ có phải bỏ
tiền ngân sách để hỗ trợ quy định giờ làm việc mới hay không. Tôi đồng ý
rằng đây có thể là phương án giúp các doanh nghiệp ổn định trong giai
đoạn đầu trước khi quy định mới đi vào thực tiễn. Song phương án này sẽ
không phải phương tiện để giải quyết vấn đề một cách lâu dài. Theo đó,
để hạn chế những tác động không mong muốn từ quy định giờ làm việc mới,
điều quan trọng là người lao động phải tăng năng suất, từ đó tiền lương
của họ cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Người lao động, chủ sử dụng
lao động và Chính phủ cần hợp tác và thể hiện vai trò tích cực để giảm
bớt mâu thuẫn và những hiểu lầm khi thực thi chế độ thời gian làm việc
tối đa 52 giờ/tuần. Với mục đích đó, Chính phủ cần đưa ra các hướng dẫn
chi tiết hơn và xem xét đến điều kiện đặc thù của từng ngành nghề để
điều chỉnh quy định mới cho phù hợp, xây dựng thời gian làm việc một
cách linh hoạt hơn.
world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm
Khoa Hàn Quốc học - Faculty of Korean Studies - 한국학부
|