Đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Gaesung ảnh hưởng đến kinh tế
17/02/2016 GMT+7
Đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Gaesung ảnh hưởng đến kinh tế
2016-02-15
Khu công nghiệp liên Triều Gaesung, biểu tượng hợp tác kinh tế hai miền Nam-Bắc
Seoul vừa quyết định ngừng toàn bộ hoạt động tại khu công nghiệp
Gaesung, biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc vào hôm 10/2.
Đây là động thái đáp trả hành động thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa
tầm xa của miền Bắc. Ngay ngày hôm sau, tức ngày 11/2, Bình Nhưỡng cũng
tuyên bố khu Gaesung sẽ là khu vực kiểm soát quân sự. Đây là cuộc khủng
hoảng nghiêm trọng nhất đối với khu công nghiệp này trong suốt 13 năm
hoạt động. Hôm nay, Giáo sư Lim Eul-chul thuộc Viện nghiên cứu các vấn
đề Viễn Đông, trường Đại học Kyungnam, sẽ phân tích về những rủi ro kinh
tế của việc khu Gaesung bị đóng cửa. Trước tiên, ông nói về ý nghĩa
kinh tế của khu công nghiệp này.
Hiện nay có 124 doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng 54.700 công nhân Bắc
Triều Tiên đang hoạt động tại khu công nghiệp Gaesung. Tổng giá trị sản
lượng của khu này đạt gần 14 triệu USD năm 2005 và tăng mạnh thành 515
triệu USD trong năm 2015, gấp 35 lần sau 10 năm hoạt động. Như vậy, tổng
sản lượng lũy kế trong suốt một thập kỷ qua tại khu công nghiệp này đạt
gần 3,2 tỷ USD, trong đó 2,7 tỷ USD là kim ngạch thương mại liên Triều.
Bất chấp lệnh trừng phạt cứng rắn Bắc Triều Tiên ngày 24/5/2010 sau vụ
nước này đánh chìm tuần dương hạm Cheonam của Hàn Quốc cùng năm, khu
công nghiệp Gaesung đã vẫn tồn tại và là cầu nối duy nhất của giao lưu,
hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc.
Những ảnh hưởng đến kinh tế miền Bắc
Khu công nghiệp liên Triều Gaesung là một dự án hợp tác kết hợp vốn và
công nghệ của Hàn Quốc với đất đai và nguồn nhân lực của Bắc Triều Tiên.
Khu công nghiệp này ra đời dựa theo Tuyên bố chung của Hội nghị thượng
đỉnh liên Triều lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 15/6/2000, và cho
xuất xưởng sản phẩm đầu tiên vào tháng 12 năm 2004. Những thăng trầm
trong mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc đã ảnh hưởng đến hoạt động tại
nơi đây. Tuy nhiên, Gaesung vẫn tiếp tục phát triển như một biểu tượng
của hợp tác kinh tế liên Triều. Trong hơn một thập kỷ qua, khu công
nghiệp này đã tạo ra 3,26 tỷ USD hiệu quả kinh tế trực tiếp cho Hàn Quốc
như doanh thu và đầu tư trang thiết bị. Bắc Triều Tiên cũng thu về hơn
375 triệu USD từ khu công nghiệp Gaesung và khoảng 100 triệu USD tiền
lương hàng năm của công nhân. Vì chính số tiền này được cho là nguồn vốn
giúp miền Bắc có hành động khiêu khích, nên Chính phủ miền Nam đã quyết
định dừng hoạt động khu công nghiệp để ngăn chặn. Giáo sư Lim Eul-chul
cho biết:
Lệnh dừng hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến tiền lương của lao động miền
Bắc đang làm việc tại khu công nghiệp. Cứ cho là có khoảng 55.000 công
nhân trong nhà máy. Tiền lương của họ kiếm được là từ 7 đến 8,5 triệu
USD mỗi tháng và nếu tính cả tiền thưởng và tiền làm thêm thì mỗi năm sẽ
có khoảng 100 triệu USD được chuyển cho phía Bắc Triều Tiên. Và Seoul
nghi ngờ rằng một phần số tiền đó đã được Bình Nhưỡng dùng vào việc phát
triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Do vậy, Hàn Quốc chọn ngừng
hoạt động khu công nghệp liên Triều nhằm ngăn chặn tận gốc việc sử dụng
sai mục đích của dòng vốn này.
Ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu Gaesung
Do khu công nghiệp Gaesung không còn hoạt động nữa, dự đoán khoảng
200.000 người Bắc Triều Tiên bao gồm công nhân và gia đình của họ sẽ gặp
phải những khó khăn về kinh tế. Kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài
của Bình Nhưỡng cũng gặp nhiều trở ngại. Năm 2015, miền Bắc đã chỉ định
26 địa điểm là khu vực phát triển kinh tế. Song mối quan tâm của các
doanh nghiệp nước ngoài đến những khu vực kinh tế đặc biệt đó nhiều khả
năng sẽ biến mất như biểu tượng của sự hợp tác kinh tế liên Triều này.
Tuy nhiên, không chỉ Bình Nhưỡng bị ảnh hưởng mà cả Seoul cũng đang chịu
áp lực nặng nề. Ông Lim Eul-chul nhận định:
Khó có thể hình dung được các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bị tổn thất như
thế nào. Hiện đang có 124 công ty đang hoạt động tại đây và nếu tính cả
các nhà thầu thì cũng trên dưới 5.000 công ty. Họ sẽ bị thiệt hại gần
1,5 triệu USD mỗi ngày. Nghiêm trọng hơn là họ bị mất lòng tin từ khách
hàng nước ngoài mà phải khó khăn lắm mới gây dựng được. Các doanh nghiệp
vừa và nhỏ khó có thể duy trì hoạt động một khi mối quan hệ hợp tác với
các đối tác nước ngoài bị cắt đứt. Khu công nghiệp liên Triều Gaesung
đã tạo bước đột phá cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và là dây cứu sinh của
không chỉ những doanh nghiệp đặt nhà máy tại khu này mà còn của các công
ty đối tác nữa. Sẽ có nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Có thể nói, việc
khu công nghiệp liên Triều này bị ngừng hoạt động cũng gây tác hại kinh
tế không nhỏ đối với Hàn Quốc.
Hiệu ứng lan tỏa
Vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Bắc Triều Tiên vào năm 2013 đã khiến khu
công nghiệp liên Triều này bị đóng cửa 160 ngày. Khi đó, các doanh
nghiệp Hàn Quốc báo cáo bị thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD. Song lần này,
tổn thất tài chính có khả năng vượt hơn 1,6 tỷ USD. Ngày 11/2 vừa qua,
Bắc Triều Tiên đã ra lệnh trục xuất tất cả người Hàn Quốc và đóng băng
toàn bộ tài sản tại khu công nghiệp này. Theo lệnh của Bình Nhưỡng, công
nhân viên miền Nam phải để lại toàn bộ trang thiết bị, nguyên vật liệu
và sản phẩm. Việc đóng cửa khu công nghiêp Gaesung cũng ảnh hưởng xấu
tới các mối quan hệ đối ngoại. Giáo sư Lim Eul-chul phân tích:
Việc ngừng hoạt động khu công nghiệp Gaesung có thể ảnh hưởng tiêu cực
đến mức độ tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc. Các công ty đầu tư đa quốc
gia và các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã coi sự tồn tại và vận hành
của khu công nghiệp liên Triều Gaesung là yếu tố quyết định để đánh giá
nguy cơ địa chính trị trên bán đảo Hàn Quốc. Do đó, nếu khu công nghiệp
này biến mất thì các công ty đánh giá mức độ tín nhiệm sẽ nâng mức rủi
ro địa chính trị cao hơn khiến Hàn Quốc bị đẩy xuống thứ hạng tiêu cực.
Hàn Quốc cần dồn sức để ngăn chặn hiệu ứng phụ
Riêng trong ngày 11/2, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 94 triệu
USD cổ phiếu và chỉ số chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đã giảm 56,25 điểm
so với ngày hôm trước. Đây là đợt chứng khoán giảm mạnh nhất trong vòng
ba năm chín tháng. Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Hàn Quốc đã bị lung
lay do kinh tế Trung Quốc suy thoái và giá dầu thô giảm, giờ đây tình
hình lại càng khó khăn hơn khi phải gánh chịu các tổn thất từ khu công
nghiệp liên Triều. Do đó, Hàn Quốc cần phải nhanh chóng ngăn chặn diễn
biến xấu có thể xảy ra. Ông Lim Eul-chul đề xuất:
Miền Bắc đã công bố rằng một khi bị đóng cửa, khu công nghiệp Gaesung sẽ
trở thành căn cứ quân sự của nước này. Từ khi hai miền bị chia cắt,
luôn tồn tại mối nguy hiểm đối đầu quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Khu công nghiệp liên Triều này chính là vùng đệm giúp giảm bớt căng
thẳng và ngăn chặn xung đột xảy ra. Do vậy, việc giải thể khu này sẽ gây
ra những thay đổi tiêu cực về an ninh và kinh tế trong mối quan hệ hai
miền. Hàn Quốc cần thiết lập những chính sách và chiến lược thấu đáo để
có thể duy trì hoạt động của khu công nghiệp Gaesung, đồng thời ngăn
chặn tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Kinh tế Hàn Quốc đang phải đương đầu với các yếu tố bất lợi trong nhiều
tháng nay. Đã đến lúc Seoul cần phải quản lý khủng hoảng một cách sáng
suốt và giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp
liên Triều Gaesung.
nGUỒN:
http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?no=5372
KHOA HÀN QUỐC HỌC - FACULTY OF KOREAN STUDIES - 한국학부
|