Giám đốc Kim Dong-geun của Nhà xuất bản Sowadari tạo cơn sốt thơ của các thi sĩ gạo cội Hàn Quốc
09/03/2016 GMT+7
Giám đốc Kim Dong-geun của Nhà xuất bản Sowadari tạo cơn sốt thơ của các thi sĩ gạo cội Hàn Quốc
Làm sao sống cho trọn vẹn
Để khi nhắm mắt xuôi tay vẫn có thể
Ngẩng cao đầu mà không hổ thẹn với trời xanh
Bên làn gió rung những chiếc lá cây
Ta đã khổ tâm như vậy
Bằng tấm lòng hát với muôn sao
Tự nhủ phải yêu mọi điều đang chết
Và con đường đã an bày cho ta
Thì sẽ phải tiếp tục cất bước
Đêm nay sao cũng lại lướt trong gió
Yun Dong-ju viết vào ngày 20/11/1941

Đó là đoạn trích từ bài thơ “Seosi” (tạm dịch là “Thơ mở đầu” do cố thi
sĩ Yun Dong-ju viết bằng tiếng Hàn, khóc than cho hiện thực đau thương
của Tổ quốc dưới sự áp bức của quân đội Nhật Bản. Thi sĩ trẻ tuổi này đã
bị bắt giam tại một nhà tù ở Fukuoka vì tham gia cuộc vận động độc lập
và qua đời ở tuổi 28 vào ngày 16/02/1945, chỉ vài tháng trước ngày Hàn
Quốc giành độc lập. Cuộc đời của Yun Dong-ju, một người sống hiên ngang,
không hổ thẹn với đời, đã được lột tả trong bộ phim chiếu rạp “Dongju:
Chân dung một nhà thơ”.
Lưu giữ hoài niệm của một thời vang bóng
Và rồi như đã hẹn trước, cuốn tái bản đầu tiên tuyển tập thơ của Yun
Dong-ju đã có mặt trên kệ sách một tuần trước khi bộ phim khởi chiếu.
Không chỉ có vậy, ấn phẩm phục chế thơ của cố thi sĩ Kim So-wol với tên
gọi “Hoa đỗ quyên” cũng được ra mắt độc giả vào tháng 11 năm ngoái. Cả
hai đầu sách này đều đang bán chạy nhất hiện nay. Một số độc giả cho
rằng: “Ngôn ngữ xưa vẫn còn đầy sức sống. Tôi cảm giác như đến
gần hơn với tác giả. Hồi xưa chúng tôi chỉ được học vài trích đoạn mà
thôi. Tôi như cảm nhận được tâm trạng của tác giả khi viết ra những dòng
thơ thời đó. Những dòng thơ đã chạm được đến tâm hồn của độc giả.” “Vốn
dĩ tôi rất hâm mộ nhà thơ Yun Dong-ju nên tôi đã đến mua ngay khi ra ấn
phẩm đặc biệt này. Thiết kế sách theo kiểu xưa nên nó cũng rất đáng để
giữ lại làm kỉ niệm. Như có mùi của năm tháng khiến tôi như được trở lại
với xúc cảm quá khứ vậy.” “Dù tôi không hiểu rõ về thời kỳ đó, nhưng
tập thơ vẫn còn giữ chữ Hán cùng những ký hiệu cổ, khiến người đọc hồi
tưởng về quá khứ. Tôi nghĩ đây là tập thơ đáng mua và tôi cũng muốn mua
một cuốn.”
Kim Dong-geun – người của kỳ tích tạo nên cơn sốt thơ của 90 năm trước
Người đã làm sống lại tác phẩm của các thi sĩ gạo cội Yun Dong-ju và Kim
So-wol của hơn 90 năm về trước và thổi làn gió mới cho thế giới sách
hiện đại, đó chính là Giám đốc Kim Dong-geun của Nhà xuất bản Sowadari.
Bất chấp những cái lắc đầu rằng việc phục chế bản gốc là không thể, ông
đã tự tin mình có thể làm được. Và cuối cùng sau hơn một năm, tập thơ
xưa cũ đã được tái hiện nguyên trạng. Nhờ vào nỗ lực của ông, mà độc giả
có cơ hội được gặp lại các thi nhân vang bóng một thời. Giới xuất bản
sách gọi ông là “người của kỳ tích”. Chị Oh Hee-won, nhân viên tư vấn
của cửa hàng sách Bandi & Lunis, cho biết: “Sách thơ ở gian
sách văn hóa thường không bán chạy lắm. Nhưng tập thơ phục chế của Yun
Dong-ju và Kim So-wol nhận được những phản ứng rất tích cực mà chúng tôi
không ngờ tới. Phản ứng của giới trẻ tốt hơn so với tầng lớp lớn tuổi.
Chúng tôi bán được khoảng 20-30 quyển vào ngày thường và bán nhiều hơn
vào cuối tuần. Còn một số nhà xuất bản khác cũng đang cho ra các ấn phẩm
theo phong cách tương tự.”
Với phản ứng bất ngờ từ phía độc giả, các tập thơ của Yun Dong-ju và Kim
So-wol đang rất đắt hàng. Cho đến nay, sách của nhà thơ Kim So-wol ước
tính đã bán được khoảng 80.000 cuốn và của nhà thơ Yun Dong-ju là khoảng
120.000 cuốn. Sách được chuyển đến người đọc qua công ty vận chuyển, và
có người không hiểu nổi tại sao Nhà xuất bản Sowadari lại không thể đáp
ứng đủ đơn đặt hàng. Thắc mắc này được giải đáp ngay khi đến thăm kho
sách của nhà xuất bản nơi ông Kim Dong-geun làm giám đốc. Bởi vì tất cả
từng cuốn một đều được đóng gói cẩn thận trước khi xuất kho.
Ngã rẽ của sự nghiệp
Có thể nhiều người sẽ nghĩ Giám đốc Kim Dong-geun là nhân vật kỳ cựu của
ngành xuất bản sách bởi ý tưởng độc đáo là xuất bản lại bản gốc. Thế
nhưng từ ngày ông bước chân vào ngành xuất bản cho đến nay chỉ vỏn vẹn
10 năm. Ông chia sẻ: “Tôi từng làm việc liên quan đến chất bán
dẫn. Chất bán dẫn thường được đầu tư nhiều vốn, sản xuất trên dây chuyền
lớn và bán với giá rẻ. Vậy nên tôi không thấy thú vị. Mỗi sáng tôi thức
dậy với tâm trạng đầy phiền não rằng có nên tiếp tục công việc này
không. Thế rồi một hôm khi đang trên đường đi làm, tôi ra khỏi tàu điện
ngầm và rẽ vào chuỗi cửa hàng sách Kyobo. Tôi bèn thông báo nghỉ việc và
tắt điện thoại.”
Quyết định thông báo nghỉ công việc đã làm trong suốt bốn năm bằng một
tin nhắn rồi rẽ luôn vào hiệu sách mà không hề do dự. Giây phút ông cầm
trên tay cuốn sách trở thành bước khởi đầu cho mối nhân duyên sau này
giữa Giám đốc Kim Dong-geun và sách.
Mong muốn khẳng định cái tôi trong thế giới sách
Do bước chân vào ngành xuất bản khá muộn nên Kim Dong-geun đã rất chăm
chỉ để theo kịp. Đối với ông, từ khâu lên kế hoạch sách, biên tập, chỉnh
sửa bản thảo cho đến khi xuất bản thành phẩm là quá trình đầy hứng
khởi. Giám đốc Kim nhớ lại: “Việc xuất bản một cuốn sách rất khó
khăn. Nhưng khi khó khăn qua đi thì một sự khởi đầu mới lại đến. Việc
lên kế hoạch xuất bản, phải đóng gói sách ra sao hay đặt đề mục sách là
gì đều khiến tôi cảm thấy thú vị nên các bước tiếp theo dù có khó nhọc
đến đâu tôi vẫn có thể chịu được. Khi biên tập hay hiệu đính sách, tôi
đều phải đọc đi đọc lại một cuốn sách khoảng 100 lần. Tôi thường thức cả
đêm để đọc và chỉnh sửa từng dòng một. Công đoạn đó mệt mỏi nhưng cũng
rất thú vị.”
Cứ thế, Giám đốc Kim Dong-geun đã trải qua năm năm làm việc tại công ty
xuất bản sách nổi tiếng. Rồi bỗng dưng ông nảy ra suy nghĩ phải làm ra
sách của riêng mình. Ông muốn tạo ra những cuốn sách bằng chính nỗ lực
của bản thân. Ông nói thêm: “Tôi muốn có sách của riêng mình.
Nơi tôi làm việc là công ty xuất bản sách lớn với nhiều nhân viên. Dù là
một việc cũng phải đem ra bàn bạc và thu nhận ý kiến của nhiều người.
Thay vì thế, tôi muốn tạo ra một cuốn sách kết hợp được tất cả những ý
tưởng của bản thân. Đó là tham vọng được thể hiện cái tôi. Vì thế tôi đã
quyết định mở công ty xuất bản riêng.”
Thành công bước đầu và ý tưởng phục chế táo bạo
Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Nhật Bản, Kim Dong-geun
xuất bản cuốn sách đầu tiên là sách học tiếng Nhật. Nhưng đáng tiếc, cơn
bão ập đến đất nước Nhật Bản dường như cũng cuốn đi cuốn sách đầu tiên
ấy của ông. Giám đốc Kim tâm sự: “Nhật Bản khi đó phải hứng chịu
cơn bão khiến ngành du lịch nước này chịu ảnh hưởng không nhỏ, dẫn đến
việc tiêu thụ sách cũng không khả quan. Nhưng nguy cơ cũng chính là thời
cơ. Tôi đã xuất bản sách với nội dung mới, tuy số lượng không nhiều
nhưng cũng đã có phản hồi tốt. Vì thị trường sách đang bị thu hẹp nên dù
chỉ bán được số lượng ít cũng đủ gây được sự chú ý. Cuốn sách đó viết
về cách học tiếng Nhật cơ bản trong một ngày.”
Trên đà thành công ban đầu, Giám đốc Kim Dong-geun đã cho ra đời bộ sách
học ngoại ngữ trong đó có sách tái bản lần đầu của các tác phẩm nước
ngoài. Các cuốn sách như Hoàng tử bé, Alice ở xứ sở thần tiên đều được
tái bản từ ý tưởng của Giám đốc Kim Dong-geun. Trong khi tập trung vào
xuất bản các tác phẩm văn học nước ngoài, ông nhận được thư yêu cầu từ
độc giả. Câu hỏi “Ông có thể xuất bản cả các tác phẩm văn học Hàn Quốc
không?” như xoáy vào tim gan Giám đốc Kim Dong-geun. Và ông nhận ra “Tại
sao mình lại không hề nghĩ đến việc xuất bản sách của Hàn Quốc?”. Ông
Kim Dong-geun chia sẻ: “Tập thơ “Hoa đỗ quyên” xuất bản lần đầu
không còn lại mấy cuốn và đến lúc đó độc giả chỉ có thể nhìn thấy được
bìa sách trong triển lãm mà thôi. Vì vậy, tôi đã tái bản tập thơ đó để
giới thiệu đến độc giả trước khi nó hoàn toàn biến mất. Thực ra chỉ cần
tra tên bài thơ trên mạng, chúng ta vẫn có thể đọc được thơ của Yun
Dong-ju hay Kim So-wol. Vì sẵn có nên mối quan tâm cũng sẽ mờ nhạt dần.
Không phải chúng ta quên đi sở thích của mình mà vì nó đã trở nên quá
đỗi quen thuộc. Cố nhà thơ Yun Dong-ju và Kim So-wol là hai nhân vật
liên quan đến lịch sử, cụ thể là thời kì kháng chiến chống đế quốc Nhật,
nên nếu là người Hàn Quốc chắc hẳn ai cũng sẽ có cảm xúc về năm tháng
đó.”
Quá trình phục chế đầy gian nan
Giám đốc Kim Dong-geun đã muốn phục chế lại sách xuất bản lần đầu trước
khi nó hoàn toàn biến mất. Ông muốn giới thiệu hai nhà thơ của nhân dân
là Yun Dong-ju và Kim So-wol và những tác phẩm tuyệt vời của họ đến độc
giả. Song, việc tái bản lần đầu gặp nhiều khó khăn, và quá trình phục
chế cũng cần sự nhẫn nại. Ông nói rằng: “Do là sách ngày xưa nên
nó đã bị oxy hóa khá nhiều. Vết mực cũng đã nhòe nên chúng tôi phục chế
lại bằng kỹ thuật đồ họa trên máy tính. Để làm được như vậy, chúng tôi
đã phải dựng lại từng chữ một, thậm chí có cả phần bị mất chữ do giấy bị
mòn. Những phần chữ ở gáy sách được chúng tôi sao chép từ trang khác,
chữ Hán không hoàn chỉnh được xử lý bằng đồ họa máy tính.”
Món quà đến từ quá khứ
Sau khi kết thúc công đoạn phục chế đầy khó khăn, Kim Dong-geun bắt đầu
cảm thấy nếu cứ thế đem đi xuất bản thì sẽ thiếu điều gì đó. Vì đây là
sự trở lại của nhà thơ quá cố của 90 năm trước, nên cần một thứ đồ trang
trí gì đó vừa đặc biệt mà lại ý nghĩa. Ông đã nảy ra ý tưởng kẹp tấm
bưu thiếp vào tập thơ của Kim So-wol và cho sách vào bao thư. Ông cho
biết: “Bao thư có hai chiếc tem. Tôi dán hai chiếc tem này và
đóng dấu của bưu điện Gyeongseong (nay là bưu điện trung ương Seoul).
Dấu ghi ngày 26/12/1925 là ngày tập thơ “Hoa đỗ quyên” lần đầu tiên được
xuất bản. Tức là độc giả nhận được sách từ quá khứ vào đúng ngày đầu
tiên nó ra mắt. Vì cần phải có tên người gửi nên tôi lấy tên Kim
Jung-sik là tên thật của nhà thơ Kim So-wol và ghi địa chỉ người gửi là
địa chỉ nhà xuất bản tập thơ gốc rồi đóng dấu vào đó. Địa chỉ là Bưu
điện Gyeongseong, số 121 phường Yeongeon quận Gyeongseong, thành phố
Gyeongseong. Vì gửi theo bưu điện và sau một ngày sẽ đến nơi, nên tôi
đóng thêm dấu đỏ vào ý chỉ đây là bưu phẩm chuyển phát nhanh.”
Người gửi
Kim Jung-sik địa chỉ số 121 phường Yeongeon, quận Gyeongseong, thành phố Gyeongseong
Vào mùa xuân 2016, khi cuốn sách này được gửi đi, cầu mong cho tổ quốc
tôi khi đó đã thoát khỏi bàn tay của đế quốc Nhật. Nhất định thế…
Thơ tôi liệu có nhận được yêu thương?
Khi đó, chắc nước tôi đã độc lập rồi chứ
Ngày 26 tháng 12 năm 1925 Kim Jung-sik kính tặng
Giống như một món quà do Kim So-wol của 91 năm trước gửi tặng đến độc
giả của tương lai, bên ngoài bao thư được dán tem cổ có đóng dấu bưu
điện Gyeongseong. Bên trong bao thư có chứa một tập thơ cỡ giấy A4 của
Kim So-wol cùng tấm bưu thiếp kèm lời nhắn gửi của tác giả với câu hỏi,
rằng thơ của bà có đang đón nhận được tình cảm của độc giả, đất nước
liệu đã giành được độc lập. Độc giả, những người được nhận sách chắc hẳn
sẽ muốn viết câu trả lời. Nhân viên tư vấn của hiệu sách, chị Oh
Hee-won cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức sự kiện gửi sách đến độc
giả theo hình thức thư được gửi từ Gyeongseong và đồng thời đặt chúng
tại khu phố Myeungdong ở thủ đô Seoul. Có những người còn không muốn bóc
thư ra vì quá đẹp, rất đáng để được lưu giữ làm kỷ niệm. Tôi nghĩ sẽ có
rất nhiều người muốn có vì món quà này đặc biệt, không có nhà xuất bản
sách nào làm như thế cả. Thêm vào đó, độc giả Hàn Quốc dường như rất
quan tâm đến những cuốn sách quý, sách xuất bản lần đầu.”
Tập thơ của cố thi sĩ Yun Dong-ju do Giám đốc Kim Dong-geun phát hành
bao gồm một bộ ba cuốn. Một cuốn xuất bản lần đầu tưởng niệm ba năm ngày
mất của tác giả phát hành năm 1948, một cuốn kỷ niệm 10 năm ngày mất
của tác giả phát hành năm 1955 và một tập thơ gốc viết tay. Nổi bật
trong số đó chính là tập thơ viết tay của tác giả mang tên “Nơi ẩn chứa
lịch sử”. Giám đốc Kim Dong-geun giải thích: “Đây là tập thơ
viết tay của Yun Dong-ju. Ông đã viết nó và đem đóng bìa bản thảo tặng
bạn mình rồi đi Nhật. Về sau ông lấy bản mà bạn ông còn giữ để làm thành
một tuyển tập thơ. Tập thơ mang tên “Nơi ẩn chứa lịch sử”. Giai đoạn
viết tập thơ này ông đã không được phép sáng tác bằng tiếng Hàn. Mặc dù
vậy, nhà thơ Yun Dong-ju vẫn bất chấp nguy hiểm. Nếu nhìn phần sau sách
sẽ thấy có bản phán quyết viết bằng Hán tự của tòa án. Nội dung rằng nhà
thơ Yun Dong-ju bị quân Nhật bắt theo luật bảo vệ an ninh. Nếu ai đọc
được dòng này chắc hẳn cũng sẽ thấy nghẹn ngào.”
Lật qua từng trang thơ viết tay, độc giả chắc chắn sẽ muốn được gặp một
Yun Dong-ju thời trai trẻ. Giám đốc Kim Dong-geun đã không bỏ qua tâm lý
đó và để lại một bức ảnh của nhà thơ Yun Dong-ju ở chương cuối của tập
thơ. Và độc giả đã được gặp lại chàng thi sĩ Yun Dong-ju như thế.
Người đưa thư nhiệt huyết
Tiết trời đầu xuân vẫn còn phảng phất hơi lạnh trong kho bảo quản sách,
nơi Giám đốc Kim Dong-geun đang thực hiện công đoạn đóng gói. Trong suốt
một ngày, thời gian ông được nhìn thấy ánh mặt trời cũng chỉ vỏn vẹn
chưa đến 30 phút. Mặc dù vậy, ông vẫn miệt mài phục vụ độc giả. Đây là
nỗ lực và nhiệt huyết của một người làm xuất bản để những nhà thơ của
dân tộc sẽ sống mãi trong lòng độc giả.
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_mindsofkorea_detail.htm?No=10052156
Khoa Hàn Quốc học - Faculty of Korean Studies - 한국학부
|