Sau đây là một tin phát
sóng vào ngày 16 tháng 12 năm 2010 trong chương trình Thời sự 9 giờ của
Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS. Theo khảo sát của Cơ quan
bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc (NHIS) trong năm 2015, thì tính tới năm
2013, chiều cao trung bình của đàn ông trưởng thành Hàn Quốc là 1 mét
70,5, tức là cao hơn 1 cm so với một thập kỷ trước đó là năm 2003. Còn
chiều cao trung bình của nữ giới trong cùng thời gian thì tăng hơn 0,9
cm so với mức 1 mét 56 trước đó.
“Hồi tôi còn bé thì những ai cao 1 mét 8, 1 mét 9 được coi là
kinh khủng lắm rồi. Bây giờ thì mức này chỉ là bình thường thôi bởi vì
có rất nhiều người cao 1 mét 8. Thời chúng tôi đến cái ăn còn chẳng có,
cuộc sống rất chật vật, vất vả. Nhưng bây giờ đồ ăn thức uống bổ dưỡng
rất nhiều, nên chiều cao đương nhiên sẽ tăng lên thôi. Tôi thấy rằng thể
hình của người dân Hàn Quốc chúng ta đã được cải thiện rất nhiều.”
Có thể nói, những người Hàn Quốc sinh ra từ những năm 1980 thuộc một thế hệ khác hẳn thời trước về thể lực và thể hình.
[Người Hàn kém dinh dưỡng do thiếu lương thực sau chiến tranh]
Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, hầu hết người dân Hàn Quốc dù ở
nông thôn hay thành thị đều phải lo “chạy ăn từng bữa”. Trong những
tháng giáp hạt giữa mùa đông và mùa xuân, nhiều người thậm chí còn phải
nhịn đói, sống dựa vào các loại ngũ cốc trộn hay viện trợ lương thực từ
nước ngoài. Một số người dân nhớ lại: “Thời kỳ đó, có lúc tôi đã
phải lên núi đào rau rừng ăn, hay lót dạ bằng ngải cứu và ngũ cốc trộn.
Thời đó, vào đúng tuổi ăn tuổi lớn thì chúng tôi lại chẳng có tiền để
mua đồ ăn mà cũng chẳng có thứ gì để cho vào bụng. Chúng tôi đã phải ăn
cơm trộn với lúa mạch mà cũng chẳng đủ no. Nhà chẳng có gạo nên tôi sống
chủ yếu nhờ vào rau cỏ trên núi. Chính vì ăn uống kham khổ như vậy mà
tôi đã bị sưng phù cả mặt và cơ thể. Chúng tôi hồi đó thực sự đã phải
trải qua một thời kỳ vô cùng kham khổ. Hồi đó chúng tôi phải ăn những
thanh bột hấp làm từ bột ngô và bột sữa mà Mỹ viện trợ cho Hàn Quốc.
Ngoài ra thì chẳng có gì để ăn cả. Thử hỏi ăn như thế thì làm sao mà lớn
được cơ chứ?”
Vào cuối những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một quốc gia nông nghiệp với cứ
10 người Hàn Quốc thì có sáu người làm nghề nông. Mặc dù vậy, tình
trạng đói kém vẫn xảy ra thường xuyên do ảnh hưởng của hạn hán và thời
tiết lạnh giá cũng như sự thiếu thốn trang thiết bị, khoa học công nghệ
và phân bón. Một nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng do Bộ Y tế xã hội
Hàn Quốc (tiền thân của Bộ Y tế và Phúc lợi hiện nay) tiến hành trong
năm 1970 cho biết: trung bình một người trưởng thành Hàn Quốc tiêu thụ
khoảng 2.050 calo một ngày, ít hơn nhiều so với con số 2.400 calo là
lượng calo được khuyến cáo tiêu thụ một ngày khi đó. Ngoài ra, mức tiêu
thụ trung bình thức ăn từ động vật chỉ đạt 32 gram/ngày, không bằng một
nửa lượng khuyến cáo trung bình là 80 gram/ngày. Chất lượng dinh dưỡng
kém đó đã dẫn tới hệ quả là khoảng 15% số người trưởng thành bị thiếu
máu và hơn một nửa dân số bị mất cân đối trầm trọng giữa chiều cao và
thể trọng. Để giải quyết tình trạng thiếu lương thực này, Chính phủ đã
phát động một chiến dịch trên toàn quốc thúc đẩy tiêu thụ các loại lương
thực khác ngoài gạo như bánh mì, ngũ cốc.
[Chính phủ khuyến khích ăn độn ngũ cốc, phát triển giống lúa mới]
Tổng biên tập Jung Young-jin của trang báo mạng Wikipress mô tả lại tình hình Hàn Quốc thời kỳ đó: “Do
thiếu gạo nên vào năm 1969, Chính phủ đã chỉ định ngày thứ Tư và thứ
Bảy hàng tuần là “Ngày không gạo”, tức là trong hai ngày này người dân
sẽ không ăn cơm mà thay vào đó là ăn các loại lương thực từ bột mỳ. Các
trường học cũng buộc sinh viên phải ăn thức ăn độn ngũ cốc như lúa mạch
với gạo và đậu tương. Thậm chí nhiều nhà hàng còn bị cấm bán cơm cho
người dân.”
Cũng do hoàn cảnh thời đó như vậy nên ưu tiên hàng đầu của Chính phủ
trong những năm 1970 là đẩy mạnh sản xuất lương thực. Chính phủ đã hỗ
trợ phát triển giống lúa cao sản với tên gọi Tongil (Thống nhất) và tổng
động viên các công chức từ trung ương đến địa phương đi đến từng nhà
khuyến khích phổ biến giống lúa mới cho người dân. Giống lúa Tongil cho
cây thấp hơn so với các giống lúa khác đã trồng trước đó, nhưng lại có
khả năng chống sâu bệnh, dịch bệnh và đạt năng suất cao hơn 30%. Đến năm
1977, sản lượng lúa gạo của Hàn Quốc đã đạt kỷ lục 6,4 triệu tấn, đưa
đất nước thoát khỏi tình trạng đói kém và bắt đầu tự túc được về lương
thực.
[Mỳ ăn liền Ramyeon, món ăn hàng ngày không thể thiếu của người Hàn]
Trong khi cả dân tộc đang dồn toàn lực vào việc khắc phục tình trạng
thiếu lương thực, mỳ ăn liền đã trở thành một phần không thể thiếu trong
thói quen ăn uống hàng ngày của người Hàn Quốc. Một người dân hồi
tưởng: “Nhờ một người bạn khá giả mà tôi đã có cơ hội ăn thử mỳ
ăn liền ramyeon. Khi đó, mỳ ramyeon có dạng sợi thẳng. Lần thứ hai tôi
được nếm thử ramyeon là trong một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều khi còn ở
quân ngũ. Hương vị của mỳ khi đó thật tuyệt vời!”
Thực tế, khi ra mắt vào ngày 15 tháng 9 năm 1963, mỳ ăn liền ramyeon
không được chú ý nhiều, bởi vì người Hàn Quốc khi đó không quen với
hương vị, tên gọi cũng như phương pháp chế biến loại mỳ này. Nhưng kể từ
khi Chính phủ phát động phong trào vận động người dân dùng các sản phẩm
làm từ ngũ cốc, bột mỳ thì ramyeon dần trở nên quen thuộc và trở thành
thực phẩm bình dân phổ biến nhất trên toàn quốc. Tổng biên tập Wikipress
Jung Young-jin nói: “Từ góc độ dinh dưỡng, mỳ ăn liền là một
loại thực phẩm mang tính cách mạng. Nó chứa khá nhiều hyđrat-cácbon và
giàu chất béo cũng như chất đạm, những thành phần dinh dưỡng không có
nhiều ở Hàn Quốc khi đó. Nó cũng rất giàu calo, và do vậy có thể cung
cấp đủ năng lượng để làm việc trong ngày. Mỳ ăn liền lần đầu tiên được
sản xuất ở Hàn Quốc vào năm 1963 và đây là cách nhanh chóng, rẻ tiền
nhất để để giúp người dân thoát đói. Tôi cho rằng từ sau những năm 1970,
ramyeon là thực phẩm quan trọng thứ hai đối với người dân Hàn Quốc, bên
cạnh gạo.”
[Lượng tiêu thụ thịt và sữa tăng mạnh]
Từ những năm 1980, Hàn Quốc đạt được tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và do
đó đã bắt đầu có điều kiện thưởng thức các loại thực phẩm giàu dinh
dưỡng hơn, ngon hơn. Người Hàn Quốc khi đó cũng đặt ưu tiên về chất
lượng hơn là số lượng. Điều này khiến lượng tiêu thụ gạo của Hàn Quốc
giảm xuống. Tổng biên tập Wikipress Jung Young-jin nói tiếp: “Các
thống kê vào năm 1970 cho thấy, trung bình một người Hàn Quốc tiêu thụ
136,4 kg gạo mỗi năm. Sau Thế vận hội mùa hè năm 1988, lối ăn uống của
người Hàn đã dần dần chịu ảnh hưởng của phương Tây. Bên cạnh đó, ngày
càng nhiều phụ nữ đi làm hơn là ở nhà làm nội trợ, nên thói quen ăn cơm
nhà cũng dần thay thế bằng thói quen đi ăn tiệm. Thêm vào đó, đồ ăn ở
ngoài cũng khá đa dạng, phong phú, nên từ đó lượng tiêu thụ gạo bắt đầu
giảm sút. Đến năm 1997, mức tiêu thụ gạo bình quân trên đầu người tụt
xuống chỉ còn 102,4kg một năm. Con số này tiếp tục giảm xuống còn 83,2kg
vào năm 2003, 77kg vào năm 2007 và 65kg trong năm 2014, tức là chỉ bằng
hơn một nửa mức tiêu thụ của năm 1970. Điều này cho thấy lương thực,
thực phẩm ở Hàn Quốc hiện nay đa dạng hơn rất nhiều so với trước kia.”
Trong khi lượng tiêu thụ gạo giảm sút, thì lượng thịt và chế phẩm từ bột
mỳ lại tăng lên nhiều trong khẩu phần ăn uống của người Hàn Quốc. Đặc
biệt, lượng tiêu thụ đạm động vật cũng tăng mạnh. Theo thống kê về các
loại thực phẩm chủ yếu do Chính phủ thực hiện trong năm 2014, thì người
Hàn Quốc tiêu thụ bình quân khoảng 42,7kg thịt/năm trong năm 2013. Mức
này cao gần gấp bốn lần so với con số 11,3kg trong năm 1980. Bên cạnh
thịt thì sữa cũng được quảng cáo là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc
biệt là canxi và protein, do vậy mức tiêu thụ các sản phẩm sữa của Hàn
Quốc cũng tăng lên nhanh chóng. Bình quân lượng tiêu thụ sữa trên đầu
người trong năm 1980 chỉ dừng ở mức 13kg mỗi năm, nhưng con số này đã
tăng đều đặn và đạt tới 71,6kg trong năm 2013. Sự gia tăng lượng đạm
trong khẩu phần ăn đã dẫn đến sự cải thiện về mặt thể chất cho thế hệ
trẻ của Hàn Quốc. Giáo sư Shin Hyun-tack của Khoa Y học thể chất thuộc
Bệnh viện Y học cổ truyền, trường Đại học Kyunghee, giải thích: “Tổng
lượng tiêu thụ đạm của người Hàn Quốc đã tăng lên nhiều, chủ yếu là từ
nguồn thực phẩm thịt và sữa. Đạm là một thành phần dinh dưỡng tốt cho
tăng trưởng, điều này đã được chứng minh trong các thử nghiệm trên động
vật. Sự gia tăng lượng đạm đã giúp cải thiện khung xương, chiều cao.”
Khảo sát dinh dưỡng quốc gia vào năm 1980 ở Hàn Quốc cho thấy chiều cao
trung bình của người trưởng thành Hàn Quốc là 1 mét 69 đối với nam và 1
mét 57 đối với nữ. Và kể từ thời kỳ này thì chiều cao của thanh thiếu
niên ở Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng đáng chú ý. Theo Báo cáo thống kê
giáo dục hàng năm của Bộ Giáo dục thì chiều cao trung bình của nam sinh
viên 17 tuổi đã tăng từ 1 mét 67,1 vào năm 1980 lên 1 mét 74,3 vào năm
2014, trong khi đó chiều cao của nữ sinh viên 17 tuổi đã thay đổi từ 1
mét 56,8 vào năm 1980 lên 1 mét 60,9 vào năm 2014, tức là tăng khoảng 4
cm.
[Người Hàn quan tâm đến cách ăn uống lành mạnh]
Bắt đầu từ những năm 2000, những thực phẩm có lượng calo cao, giàu đạm
đã trở nên phổ biến, giúp cho chế độ ăn uống của người Hàn trở nên đa
dạng, phong phú và giàu dinh dưỡng hơn trước. Nhưng cũng chính sự thay
đổi về khẩu phần ăn uống như vậy đã dẫn đến các vấn đề y tế và xã hội
nghiêm trọng khác như sự gia tăng của bệnh béo phì, các bệnh về huyết áp
và tim mạch. Tình trạng này đã thúc đẩy Hàn Quốc tìm ra các loại thực
phẩm hữu cơ thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe hơn. Một số người
dân phát biểu về thói quen ăn uống của mình như sau: “Đây là
thịt chay làm từ đậu tương có hương vị như thịt gà. Còn đây là thịt lợn
và thịt bò chay. Món này được sử dụng để hầm rất ngon. Tôi cố gắng ăn
nhiều thức ăn có chất xơ hơn, cũng như tăng khẩu phần rau quả trong mỗi
bữa ăn. Giá tiền các loại thực phẩm này có đắt hơn đôi chút nhưng tôi
vẫn mua vì tôi cho rằng đây là sự đầu tư thích đáng cho cơ thể mình. Ăn
thức ăn sạch, tốt thì mình cũng khỏe mạnh lên mà.”
Có thể nói, để có cuộc sống khỏe mạnh và sức làm việc dẻo dai hơn, người
Hàn Quốc đã và đang cố gắng hình thành thói quen ăn uống lành mạnh với
các loại thực phẩm chất lượng hơn. Tổng biên tập Wikipress Jung
Young-jin nói: “Có lẽ hầu như không có quốc gia nào trên thế
giới đạt được thành tựu như Hàn Quốc, chỉ trong 70 năm mà từ chỗ đói
nghèo, thiếu ăn đã vươn lên để giờ đây có sự lựa chọn đa dạng, phong phú
về thực phẩm. Một thực tế không thể phủ nhận rằng người Hàn Quốc ngày
nay đã có cuộc sống no đủ, sung túc để không phải lo “chạy ăn từng bữa”
nữa. Sự gia tăng lượng tiêu thụ gạo và các sản phẩm thịt cũng như các
loại thực phẩm dinh dưỡng khác là một minh chứng cho thấy đất nước chúng
ta đã có sự phát triển mạnh mẽ trong suốt bảy thập kỷ qua.”
Trong những năm 1950 và 1960, người dân Hàn Quốc mới chỉ dám ước mong có
đủ gạo để ăn. Ngày hôm nay, ước nguyện đó đã hoàn toàn trở thành sự
thật và chủng loại thực phẩm cũng nhiều lên, phù hợp với khẩu vị của
từng người. Có thể nói, lịch sử bữa ăn của người Hàn Quốc gắn liền với
lịch sử dân tộc trong suốt 70 năm kể từ sau ngày độc lập. Sự thay đổi về
thói quen ăn uống đó đã góp phần cải thiện thể chất và thể lực và từ đó
nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt trí tuệ, sức làm việc của người Hàn
Quốc so với người dân các quốc gia khác.