ĐIỂM NHÌN VIỆT NAM Có một xứ Kim Chi dưới bóng Già Lam
18/11/2019 GMT+7
ĐIỂM NHÌN VIỆT NAM
Có một xứ Kim Chi dưới bóng Già Lam
Năm 2004, khi qua Seoul làm giáo sư thỉnh giảng Đại học và Sau đại học
tại Khoa Tiếng Việt và Khoa Đông Nam Á, Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn
Quốc, tôi, lúc đó đang ở Khoa Văn hóa học của Trường ĐH Khoa học Xã hội
và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, trí tưởng tượng lãng mạn dẫu bay bổng
đến mấy cũng không bao giờ có thể hình dung mình sẽ rất sớm “phải lòng”
xứ sở Kimchi để rồi chuyển qua Khoa Hàn Quốc học, gắn bó sự nghiệp cuộc
đời với nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, văn học Hàn Quốc.
*XEM TOÀN VĂN TẠI ĐÂY*
Templestay đầu tiên của tôi ở Jinkwansa, giống như mối tình đầu
bao giờ cũng để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Lần đầu tiên tôi được nhận một
bộ trang phục đơn sơ, tao nhã, dành riêng cho khách ở lại chùa. Lần đầu
tiên ngủ trong chùa, căn phòng kiểu Hanok sưởi sàn ấm áp, những song cửa
gỗ mở ra bốn bề núi rừng cuối mùa xuân, thơm hương các loài cỏ hoa
trong gió nhẹ và mơ hồ tiếng suối, tiếng thác êm đềm, xa xa. Thực hành
108 lạy không quá khó như tôi hình dung lúc ban đầu, bởi vì kinh Hồng
Danh (niệm danh các vị Phật) trong pháp môn này đã được chuyển thành 108
câu đúc kết nhân sinh quan, lẽ sống theo lý tưởng mỗi vị Phật khiến cho
mỗi lạy trở thành một cơ hội chiêm nghiệm giúp ánh sáng trong tự tâm
tỏa rạng. Pháp môn tham thiền cũng không quá cao xa, chỉ là hướng sự chú
tâm vào hơi thở, tỉnh giác nhận biết vọng niệm để trở lại chú tâm. Thời
gian trà đạo với nhà sư thường đồng thời là pháp đàm, pháp thoại, trong
đó, các phạm trù Vô thường, Vô ngã, Duyên khởi, Nghiệp báo Luân hồi,
Trung đạo… được nhà sư lồng vào câu chuyện gần gũi về ứng xử của con
người trong những tình thế thường nhật, thời sự của đời sống đương đại.
Jinkwansa nổi tiếng nhất về ẩm thực chay. Tôi chỉ từ xa kín đáo ngắm các
vị ni trực tiếp phơi rau quả, chuẩn bị nguyên vật liệu, biết rằng không
nên chụp hình cũng không nên xắn tay làm giúp bởi có lẽ rất nhiều trong
đó là những bí quyết lưu giữ di sản một nền ẩm thực phong phú mà nhiều
thực phẩm đồng thời có là dược phẩm quý giá tự nhiên. Ẩm thực chay vun
bồi từ bi, tôn trọng sự sống muôn loài. Nghi thức ăn trong chánh niệm
đặt tròn vẹn tâm ý vào giây phút hiện tại để tiếp nhận năng lượng tốt
lành từ thức ăn và quan hệ hòa ái với những người cùng ăn.
*XEM TOÀN VĂN TẠI ĐÂY*
Từ chuyến templestay gần nhất đến nay thấm thoắt cũng hơn nửa năm rồi.
Tôi vẫn nhớ một xứ Hàn dưới bóng già lam, sớm chiều, tiếng chuông
ngân nga trong gió, mênh mang rừng tùng, nhịp điệu miên trường 17 thế kỷ
Phật giáo đã đi cùng dân tộc.
Qua Nhất trụ môn, Thiên vương môn, Bất nhị môn, lâng lâng dẫn dắt
những nẻo thiền hành…
Phan Thị Thu Hiền Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
*XEM TOÀN VĂN TẠI ĐÂY*
Nguồn: Tạp chí Koreana - Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc, số Mùa Hè 2019 (vol 6, no.2) phiên bản tiếng Việt (xem bản đầy đủ tại đây)
*Vì lý do bản quyền nên chúng tôi chỉ trích giới thiệu một đoạn nhỏ
trong bài viết. Bạn đọc vui lòng nhấp vào đường link trên để đọc toàn
văn bài viết.
KHOA HÀN QUỐC HỌC - FACULTY OF KOREAN STUDIES - 한국학부