Ông Jo Bong-hyun: Trong bối
cảnh cộng đồng quốc tế tích cực thực hiện nghị quyết cấm vận đối với
miền Bắc, Kim Jong-un đã chính thức tuyên bố về thời đại của mình. Tuy
nhiên, vị trí lãnh đạo cao nhất miền Bắc của Kim Jong-un cũng sẽ bị lung
lay nếu ông này không thể giải quyết được các vấn đề kinh tế. Do vậy,
để thể hiện rằng mình đã đạt được thành quả nhất định bất chấp cục diện
bị cấm vận hiện nay, chính quyền Kim Jong-un không còn cách nào khác
ngoài việc đổ khó khăn lên đầu người dân, thực hiện những chương trình
phát triển kinh tế ngắn hạn như vậy. Dù chiến dịch 70 ngày chưa kết thúc
được bao lâu, Bình Nhưỡng đã ngay lập tức triển khai chiến dịch 200
ngày. Với chiến dịch này, đương kim lãnh đạo cao nhất miền Bắc Kim
Jong-un mong muốn tăng cường đoàn kết nội bộ và kêu gọi lòng trung thành
của người dân.
Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ bảy vừa qua, Chủ
tịch đảng Kim Jong-un đã phát biểu rằng Bắc Triều Tiên là một nước có
“tư tưởng chính trị mạnh mẽ”, là “cường quốc quân sự” nhưng vẫn chưa thể
hoàn thành mục tiêu trở thành “cường quốc kinh tế”. Để đạt được mục
tiêu xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ông Kim chỉ thị miền Bắc phải thực
thiện “Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia năm năm” từ năm 2016 đến
năm 2020. Triển khai Chiến dịch 200 ngày chính là một trong những hoạt
động chính thức trong khuôn khổ chiến lược này. Trên thực tế, kể từ sau
Đại hội đảng, mọi hoạt động công khai của Chủ tịch Kim Jong-un đều nhằm
vực dậy nền kinh tế. Nhà nghiên cứu Jo Bong-hyun đánh giá.
Ông Jo Bong-hyun: Đại hội
đảng lần thứ bảy là một hoạt động chính trị lớn với ý nghĩa chính là lễ
đăng quang của Chủ tịch Kim Jong-un. Miền Bắc đã tiêu tốn một khoản tiền
khổng lồ cho sự kiện này. Sau đó, để vực dậy nền kinh tế, xoa dịu người
dân, nhà lãnh đạo Kim đã thực hiện nhiều hoạt động khôi phục kinh tế.
Ông đã đi thị sát nông trại và thăm cơ sở sản xuất muối. Ngành sản xuất
muối của miền Bắc là lĩnh vực hứa hẹn đem lại thành quả nhanh chóng mà
không cần tập trung quá nhiều nỗ lực. Qua những hoạt động kinh tế này,
Chủ tịch Kim muốn truyền đạt tới người dân thông điệp rằng dưới sự chỉ
đạo của ông, tình hình kinh tế quốc gia sẽ tốt dần lên.
Chiến dịch “70 ngày” và “200 ngày” là khẩu hiệu của
cuộc chạy đua tốc độ, kêu gọi người dân miền Bắc tăng tốc, nỗ lực hết
sức trong khoảng thời gian ngắn nhất đem lại thành quả cho đất nước.
Trên những con phố như Ryomyong ở Bình Nhưỡng hay tại các công trường
xây dựng đều treo những khẩu hiệu như “tốc độ ngựa phi vạn dặm”, kêu gọi
công nhân đẩy nhanh tốc độ thi công. Từ giữa những năm 1950, Bắc Triều
Tiên đã khởi động những chiến dịch thi đua tăng gia sản xuất với thuật
ngữ “ngựa phi nghìn dặm”. Cho tới bây giờ, khẩu hiệu đã được đổi thành
“phong trào ngựa phi vạn dặm”, hối thúc người dân đẩy nhanh hơn nữa tiến
độ làm việc. Các chuyên gia cho rằng trong tình hình bị cấm vận, Bình
Nhưỡng chỉ có một biện pháp để phát triển kinh tế là tổng động viên sức
lao động của người dân. Nhà nghiên cứu Jo Bong-hyun nhận định.
Ông Jo Bong-hyun: Tôi cho
rằng việc Bình Nhưỡng yêu cầu người dân tăng nhanh quá mức cho phép tốc
độ và năng suất làm việc sẽ dẫn đến những hậu quả tất yếu. Một tòa nhà
được cho là mục tiêu hoàn thành trong chiến dịch 70 ngày vừa qua của
Bình Nhưỡng đã xuất hiện vết nứt và bị rò rỉ nước, dẫn đến phát sinh các
chi phí để tu sửa. Toà nhà đó xây dựng xong nhưng lại không thể đưa vào
sử dụng. Những chiến dịch không thực tế và quá khả năng như trên có thể
sẽ trở thành một trong những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của
Bắc Triều Tiên. Thực tế cho thấy việc miền Bắc tập trung đầu tư tài
nguyên vào những chiến dịch này đã làm đình trệ các dự án ở những lĩnh
vực khác, dẫn đến tình trạng kinh tế tụt hậu hiện nay của miền Bắc. Hơn
thế, những chiến dịch như thế này sẽ khiến người dân thêm mệt mỏi. Thay
vì tập trung kinh doanh cá nhân hay buôn bán ở chợ để phát triển kinh
tế, họ lại phải tham gia thực hiện các phong trào này, khiến họ càng
thêm bất mãn với chính quyền miền Bắc. Thậm chí đã có những trường hợp
tử vong do làm việc quá sức trong quá trình triển khai các chiến dịch
nói trên. Tình trạng này có khả năng gây phản tác dụng, khiến xã hội Bắc
Triều Tiên trở nên hỗn loạn.
Thủ tướng Park Bong-ju cũng rất quan tâm đến chiến
dịch được coi là hình ảnh tượng trưng cho bước đột phá trong nỗ lực phát
triển kinh tế này. Trong một cuộc họp gần đây, Thủ tướng Park đã nhấn
mạnh “Trong quá trình triển khai chiến lược phát triển kinh tế quốc gia
năm năm do đảng chỉ đạo, điều quan trọng nhất là phát huy mạnh mẽ tinh
thần tự lực cánh sinh, giải quyết mọi vấn đề bằng sức mạnh của khoa học
kỹ thuật”. Ông còn tuyên bố “Trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược năm
năm, kế hoạch phát triển kinh tế nhân dân sẽ được tiến hành sớm nhất có
thể”. Nhà nghiên cứu Jo Bong-hyun phân tích.
Ông Jo Bong-hyun: Thủ tướng
Park Bong-ju là người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai cải
cách kinh tế 1/7/2000 của miền Bắc. Park Bong-ju được bổ nhiệm là Thủ
tướng dưới thời đại Kim Jong-un và là một trong những nhân vật then chốt
trong Đại hội đảng vừa qua. Có thể thấy, dưới thời đại Kim Jong-un, vấn
đề kinh tế là một bài toán quan trọng và Thủ tướng Park là một trong
những người có công đóng góp rất lớn. Tuy nhiên, dù Thủ tướng Park được
trao quyền hạn lớn, người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là Chủ tịch
Kim Jong-un. Khó có thể khẳng định rằng Thủ tướng Park Bong-ju sẽ giải
quyết được vấn đề kinh tế nan giải hiện nay của miền Bắc. Thêm nữa,
quyết định tập trung phát triển kinh tế sẽ gây ra sự phản đối gay gắt từ
phía quân đội. Thủ tướng Park chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc xử
lý những ý kiến phản bác này. Trong trường hợp chiến lược năm năm này
kết thúc mà không thu được thành quả gì, và nền kinh tế vẫn trong tình
trạng khó khăn, trách nhiệm có khả năng lớn sẽ hướng vào Thủ tướng Park
Bong-ju chứ không phải nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hôm 27/5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã tuyên bố
cấm vận riêng đối với miền Bắc, ngừng giao dịch thương mại quy mô lớn
với nước này. Tình trạng cô lập của Bắc Triều Tiên trong cộng đồng quốc
tế ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước tình hình này, Chiến lược phát
triển kinh tế quốc gia năm năm là quá sức đối với người dân và làm gia
tăng bất mãn trong xã hội miền Bắc. Bắc Triều Tiên đang đối diện với áp
lực ngày càng lớn từ bên ngoài, yêu cầu nước này phải cải cách và mở cửa
nền kinh tế. Nhà nghiên cứu Jo Bong-hyun nêu ý kiến.
Ông Jo Bong-hyun: Nền kinh
tế Bắc Triều Tiên đang trong tình thế vô cùng khó khăn. Dù vậy, chính
quyền miền Bắc vẫn kiên quyết duy trì khẩu hiệu tự lực cánh sinh, nỗ lực
nội bộ, để đạt được thành quả phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy khó
có thể tìm thấy một quốc gia nào trên thế giới đơn phương phát triển
kinh tế. Do đó, dù Bình Nhưỡng có thể sẽ không tiến hành cải cách và mở
cửa trong thời điểm này, nhưng về lâu về dài, trong bối cảnh cấm vẫn
quốc tế kéo dài, quốc gia này sẽ buộc phải chấm dứt tình trạng bế quan
tỏa cảng nếu muốn tiếp tục phát triển. Nếu không lựa chọn con đường này,
thể chế Kim Jong-un sẽ bị sụp đổ. Tuy không thể dự đoán chính xác thời
điểm Bình Nhưỡng thay đổi, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cộng đồng
quốc tế phải tiếp tục hợp tác duy trì, và tiến tới mở rộng quy mô cấm
vận, hướng miền Bắc tới con đường cải cách và mở cửa.
Bắc Triều Tiên vẫn đang nỗ lực tạo ra đột phá trong
phát triển kinh tế thông qua những chiến dịch 200 ngày và phong trào thi
đua gia tăng sản xuất. Trong tình hình cộng đồng quốc tế ngày càng siết
chặt cấm vận, chúng ta cần tiếp tục dõi theo những hoạt động của Bắc
Triều Tiên để có những đối sách phù hợp.
Source: http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_koreatoday_detail.htm?No=10055766