Kế hoạch xúc tiến đầu tư mới của Hàn Quốc
24/02/2016 GMT+7
Kế hoạch xúc tiến đầu tư mới của Hàn Quốc
2016-02-22
Nội dung chính của kế hoạch xúc tiến đầu tư
Chính phủ Hàn Quốc vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại lần
thứ chín vào ngày 17/2, công bố các biện pháp thúc đẩy đầu tư doanh
nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và ngành công nghiệp mới. Hôm
nay, Nhà báo Lee in-cheol của Kênh truyền hình Kinh tế Hàn Quốc sẽ bình
luận về các điểm chính trong kế hoạch xúc tiến đầu tư mới của Chính phủ
và dự báo về những thay đổi trong tương lai.
Các biện pháp xúc tiến đầu tư mới của Chính phủ dài tới 100 trang, tập
trung vào việc nới lỏng quy chế, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp
mới và dịch vụ, mở ra các cơ hội đầu tư mới và tạo nhiều việc làm có
chất lượng. Ngành công nghiệp dịch vụ mới được mô tả không chỉ đơn thuần
là ngành dịch vụ truyền thống mà còn bao gồm cả thể thao và kinh tế
chia sẻ. Để thúc đẩy đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm, Chính phủ sẽ
giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong lĩnh vực năng lượng và công
nghiệp mới. Nói tóm lại, Chính phủ hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện các dự
án đang gặp trở ngại do các quy định, quy chế, đồng thời khuyến khích
các doanh nghiệp tư nhân đầu tư khoảng 50.000 tỷ won (hơn 40 tỷ USD) và
tạo ra 400.000 việc làm mới.
Xây dựng mô hình kinh tế chia sẻ
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động sáu dự án còn
dang dở, chẳng hạn như dự án xây dựng Thung lũng Silicon phiên bản Hàn
Quốc tại khu vực Yangjae và Woomyeon phía Nam Seoul. Bên cạnh đó là việc
thúc đẩy ngành công nghiệp thể thao và chăm sóc sức khỏe, và mở rộng cơ
sở đào tạo đại học ra nước ngoài như một ngành công nghiệp dịch vụ mới.
Seoul cũng muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành nông ngư
nghiệp bằng nhiều biện pháp như cải thiện điều kiện đầu tư khu vực khai
hoang Saemangeum, ở miền Trung Hàn Quốc. Ngoài ra, để giảm thiểu các quy
chế gây khó khăn cho đầu tư doanh nghiệp, Chính phủ quyết định nới lỏng
toàn bộ, trừ những quy chế bất khả kháng. Đặc biệt đáng chú ý nhất
chính trong kế hoạch này chính là mô hình kinh tế chia sẻ. Nhà báo Lee
in-cheol cho biết:
Chính phủ đang kỳ vọng xây dựng nền kinh tế chia sẻ như một hình thức
kinh doanh dịch vụ mới, một mô hình thị trường liên quan đến việc chia
sẻ hàng hóa, dịch vụ. Ngày nay, smartphone được sử dụng khá rộng rãi, và
việc chia sẻ kinh tế bằng thông tin di động cũng đang phát triển với
tốc độ chóng mặt. Tính đến năm 2010, thị trường dịch vụ chia sẻ như cho
thuê ô tô hoặc phòng của nhà riêng đạt khoảng 850 triệu USD, nhưng con
số này đã tăng hơn 10 lần chỉ sau bốn năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2014.
Dự kiến đến năm 2025 thị trường này sẽ tăng lên 335 tỷ USD. Đây cũng là
lý do mà Seoul quyết tâm điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và quy định để
nuôi dưỡng nền kinh tế chia sẻ. Tính đến nay, hàng hóa luôn được coi là
vật sở hữu cá nhân, nhưng trong tương lai, chúng sẽ được chia sẻ hay cho
người khác thuê lại. Kế hoạch mới này nhằm cải thiện môi trường thể chế
để phương thức hoạt động kinh tế mới sẽ ăn sâu bám rễ tại Hàn Quốc.
Nguyên nhân đề ra đối sách xúc tiến đầu tư
Nền kinh tế chia sẻ đang tìm chỗ đứng thích hợp trong bối cảnh kinh tế
toàn cầu suy thoái như hiện nay. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết
định hợp pháp hóa hình thức chia sẻ nơi ở và thí điểm hệ thống lưu trú
mới ở một số khu vực được chỉ định. Các nhà chức trách cũng thiết kế
chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy dịch vụ chia sẻ xe ô tô. Seoul đang nỗ
lực hết mình để tạo ra thị trường mới là bởi vì quốc gia đang cần một
chất xúc tác mới cho nền kinh tế. Ông Lee in-cheol nhận định:
Riêng trong nhiệm kỳ ba năm của Tổng thống Park Geun-hye đã có ba đời bộ
trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng của Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 3%, thậm
chí trong năm ngoái còn giảm xuống 2,6% mặc dù đã bổ sung ngân sách. Vấn
đề là triển vọng năm nay còn mịt mù hơn nữa. Xuất khẩu tháng 1 của Hàn
Quốc đã giảm 18,5%, mức giảm kỷ lục trong vòng sáu năm sáu tháng. Các
yếu tố bên ngoài cũng đang đe dọa nền kinh tế như việc giá dầu quốc tế
tiếp tục giảm, Mỹ có thể tăng lãi suất thêm nữa và thị trường tài chính
bất ổn ở châu Âu và Nhật Bản. Ngay cả đối tác thương mại lớn nhất của
Hàn Quốc là Trung Quốc cũng đang rơi vào suy thoái. Nghiêm trọng hơn là
những nguy cơ từ Bắc Triều Tiên từ đầu năm nay đang ảnh hưởng nghiêm
trọng đến tương lai kinh tế trong nước. Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy chỉ
có cách nới lỏng mạnh tay các quy chế cũng như khuyến khích các doanh
nghiệp tư nhân tham gia đầu tư mới có thể cải thiện tình hình.
Hiệu quả mong đợi của kế hoạch xúc tiến đầu tư
Chính phủ Hàn Quốc đã rất nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc
gia, chẳng hạn như bơm thêm tiền vào thị trường hay đề ra những biện
pháp khuyến khích chi tiêu. Tuy nhiên, kinh tế Hàn Quốc vẫn không thể
vực dậy được do bị tác động bởi các yếu tố bất lợi như xuất khẩu giảm
sút, tiêu dùng trong nước đình trệ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nguy
cơ từ Bắc Triều Tiên. Trong khi hiện có rất nhiều các quỹ trôi nổi ngắn
hạn đang tìm kiếm địa điểm đầu tư. Seoul hy vọng sẽ thu hút được thêm
nhiều nhà đầu tư tư nhân hơn thông qua các biện pháp xúc tiến đầu tư
mới. Trên thực tế, Chính phủ kỳ vọng sẽ thu về hơn 40 tỷ USD sau khi
công bố kế hoạch lần này. Nhà báo Lee in-cheol phân tích:
Chính phủ ước tính rằng các biện pháp xúc tiến đầu tư mới này sẽ mang về
hơn 40 tỷ USD hiệu quả kinh tế, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 65 tỷ
USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng có thể tăng lên thành 3%/năm.
Việc bãi bỏ các quy chế và trợ cấp thêm cho các dự án đang tồn đọng dự
kiến sẽ thu được hơn 5 tỷ USD đầu tư và khoảng 80 doanh nghiệp lớn trong
nước sẽ chi 35 tỷ USD cho các ngành công nghiệp mới trong ba năm tới.
Do đó, Seoul bước đầu sẽ thực hiện một phần kế hoạch xúc tiến và khuyến
khích khu vực tư nhân cùng làm. Thông qua đó, Chính phủ dự kiến sẽ tạo
ra 85.000 việc làm mới và tiền đầu tư của khối tư nhân vào các ngành
công nghiệp mới cũng tạo thêm khoảng 415.000 việc làm nữa. Nói tóm lại,
biện pháp xúc tiến mới của Chính phủ có thể mang lại thêm tổng cộng
khoảng 500.000 việc làm.
Để kế hoạch xúc tiến đầu tư có hiệu quả
Tuy nhiên, trong số 117 mục tiêu đưa ra trong kế hoạch này thì có tới 21
mục tiêu đòi hỏi phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật
pháp mới. Nói tóm lại, cần phải có một số biện pháp cụ thể để khuyến
khích các nhà đầu tư rót tiền nhiều hơn nữa. Ông Lee in-cheol đề xuất:
Vốn dĩ các ngành công nghiệp dịch vụ mới cần phải được khối tư nhân tạo
nên và Chính phủ hỗ trợ họ. Song điều này hiện đang đi ngược lại ở Hàn
Quốc, tức Chính phủ đóng vai trò chính trong việc tạo dựng lĩnh vực kinh
doanh mới. Cần phải kết hợp những ý tưởng sáng tạo của khu vực tư nhân
với kế hoạch của Chính phủ. Ngoài ra, kinh tế Hàn Quốc đang phải chứng
kiến ngành xuất khẩu lao dốc trong tình hình bất ổn toàn cầu. Do đó,
việc Chính phủ Hàn Quốc đề ra kế hoạch xúc tiến đầu tư là đáng hoan
nghênh. Song, để vượt qua được khủng hoảng và tiếp tục đà tăng trưởng,
Hàn Quốc cần phải có những kế hoạch hành động và giải pháp cụ thể cùng
với quyết tâm nhằm đạt được mục tiêu đến cùng.
Việc lập kế hoạch là quan trọng nhưng quan trọng hơn là biến ý tưởng
thành hành động thực tế. Hàn Quốc cần phải chứng minh mình có khả năng
biến tầm nhìn thành hiện thực bằng cách cải thiện các quy chế lỗi thời,
ươm mầm cho ngành công nghiệp mới và làm hồi sinh nền kinh tế nước nhà.
NGUỒN:
http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?no=5383
KHOA HÀN QUỐC HỌC - FACULTY OF KOREAN STUDIES - 한국학부
|