Thị trường tiền tệ Hàn Quốc dao động sau những biến chuyển trên thị trường thế giới
12/01/2016 GMT+7
Thị trường tiền tệ Hàn Quốc dao động sau những biến chuyển trên thị trường thế giới
2016-01-11
Trung Quốc bất ổn ảnh hưởng đến tỷ giá won-USD
Bước vào đầu năm 2016, tỷ giá hối đoái won-USD tại Hàn Quốc đang bị dao
động mạnh, cụ thể là vượt mốc 1.200 won đổi 1 USD. Nguyên nhân là do
những yếu tố rủi ro trong và ngoài nước, như việc Trung Quốc phá giá
đồng nhân dân tệ, vụ sập sàn chứng khoán Trung Quốc khiến nước này phải
sử dụng hệ thống tự động ngắt mạch lần thứ hai sau lần thứ nhất vào ngày
4 tháng 1 và vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên. Nghiêm trọng
hơn là trong năm nay, đồng đô-la Mỹ dự kiến sẽ có xu hướng tăng giá thêm
nữa. Nghiên cứu viên cao cấp Choi Moon-bak thuộc Viện nghiên cứu kinh
tế LG phân tích về các nguy cơ trên thị trường ngoại tệ Hàn Quốc và biện
pháp giải quyết. Trước tiên, ông nói về những cú sốc từ Trung Quốc tác
động như thế nào đến thị trường tài chính Hàn Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và có quan hệ kinh tế rất mật
thiết với Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện đồng nhân dân tệ đang mất giá trị
khiến các điều kiện xuất khẩu của Hàn Quốc xấu đi, gây sức ép phá giá
đồng won. Các chuyên gia tài chính dự báo, năm nay kinh tế Trung Quốc
nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm sút và kéo theo đó là tỷ giá hối đoái
giữa nhân dân tệ và đô-la Mỹ vẫn sẽ ở mức thấp trong năm 2016 này. Song,
những diễn biến kinh tế trong vài ngày đầu tháng 1 lại cho thấy nhiều
rủi ro hơn dự báo. Những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc đã gây
ra một đợt tháo chạy vốn nước ngoài và làm chao đảo thị trường chứng
khoán quốc gia này. Dự đoán trong năm nay sẽ có nhiều biến động kinh tế
cùng bất ổn về tỷ giá hối đoái.
Mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên tác động đến thị trường tài chính
Đóng cửa phiên giao dịch hôm 7 tháng 1 vừa qua, tỷ giá hối đoái won- USD
vượt mốc 1.200 won đổi 1 USD. Đây là lần đầu tiên sau bốn tháng kể từ
ngày 8 tháng 9 năm ngoái, tỷ giá này vượt ngưỡng mốc 1.200. Nguyên nhân
chính là do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá. Cũng trong ngày
này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc nâng tỷ giá hối đoái cơ bản giữa
đô-la Mỹ và nhân dân tệ lên 0,51% so với ngày hôm trước. Động thái này
khiến cho Chỉ số tổng hợp Thượng Hải sụt giảm hơn 7%, buộc thị trường
chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa chỉ sau 29 phút giao dịch. Tình
hình bất ổn của đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc này đã khiến tỷ
giá hối đoái won-USD tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng. Ngoài ra,
còn một nguyên nhân khác gây bất ổn thị trường ngoại tệ, đó là vụ thử
hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên vào hôm 6 tháng 1. Ông Choi
Moon-bak cho biết:
Rủi ro địa chính trị này hay còn được gọi là nguy cơ Bắc Triều Tiên cũng
là một trong những mối quan ngại của Hàn Quốc. Trong quá khứ, mỗi khi
Bắc Triều Tiên khiêu khích là giá cổ phiếu lại giảm mạnh và đồng won bị
mất giá trị. Song trong những năm qua, Seoul đã học được cách đối phó,
nên hành động của miền Bắc lần này không còn gây ra nhiều cú sốc như
trước đây nữa. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng không được mất cảnh giác. Bắc
Triều Tiên vẫn là nguy cơ đối với thị trường tài chính Hàn Quốc và là
yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi quyết định đầu tư vào
thị trường này.
Khi Mỹ tiếp tục tăng lãi suất
Khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006,
tỷ giá hối đoái won-USD tăng vọt 1,6%. Song, hôm 6 tháng 1 mới đây khi
Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, thì tỷ giá chỉ tăng 0,8%
so với ngày hôm trước. Điều đó cho thấy thị trường tài chính Seoul đã
rất bình tĩnh trước hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Nhưng nếu vấn
đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên kéo dài thì đây sẽ là nguyên nhân đẩy
cao quan ngại trong thị trường tài chính Hàn Quốc. Tình hình sẽ càng tồi
tệ nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản. Nhà nghiên cứu Choi Moon-bak
nhận định:
Giới tài chính dự đoán rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi
suất cơ bản ba hoặc bốn lần nữa trong năm nay với tổng mức tăng từ 0,75%
đến 1%. Có một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của FED đó
chính là những bất ổn khi lãi suất tăng lên. Nếu FED nâng lãi suất thêm
nữa thì tài sản ở Mỹ sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, và do đồng đô-la Mỹ
mạnh, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng rời bỏ thị trường Hàn Quốc. Hậu quả là
giá cổ phiếu và trái phiếu lao dốc, và đồng won của Hàn Quốc sẽ bị mất
giá.
Xu hướng tỷ giá hối đoái năm 2016
Ngày 6 tháng 1 (theo giờ địa phương), Cục dự trữ liên bang Mỹ đã công bố
biên bản cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) diễn ra vào
cuối tháng 12 năm ngoái. Theo đó, mức lãi suất cơ bản có khả năng sẽ
được nâng dần. Mặc dù việc tăng lãi suất đã được báo trước và được thực
hiện từng bước một, song tỷ giá hối đoái won-USD vẫn sẽ bị tác động. Ông
Choi Moon-bak phân tích:
Về cơ bản thì đồng won sẽ bị suy yếu, nhưng không đáng kể do mức thặng
dư cán cân vãng lai của Hàn Quốc đạt gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội
(GDP). Thậm chí còn có một số dự báo cho rằng tỷ giá hối đoái won-USD sẽ
vượt ngưỡng 1.300 won đổi 1 USD. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai
của Hàn Quốc có thể sẽ giúp hạn chế sự mất giá quá mức của đồng won.
Song, tỷ giá trung bình của năm nay chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái.
Ngoài ra, tỷ giá dao động mạnh sẽ làm tăng bất ổn về các điều kiện kinh
tế. Đồng won mất giá phần nào có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu,
nhưng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì chi phí quản lý rủi ro tiền
tệ sẽ tăng lên và cuối cùng việc phục hồi kinh tế của Hàn Quốc sẽ bị
chậm lại.
Biến động tỷ giá hối đoái và chính sách quản lý rủi ro
Các viện nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo tỷ giá hối đoái trong năm
nay sẽ dao động từ 1.150 won đến 1.300 won đổi 1 USD. Tỷ giá cao hơn có
thể có lợi cho xuất khẩu của Hàn Quốc do tăng khả năng cạnh tranh về
giá. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn bất ổn và những biến động trong ngắn
hạn trở nên nghiêm trọng, thì ngành xuất khẩu sẽ không đủ khả năng tự
bảo vệ mình trước sự dao động của tỷ giá hối đoái, và các khoản đầu tư
dài hạn sẽ bị thu hẹp lại. Do đó, việc Hàn Quốc cần làm bây giờ là quản
lý rủi ro. Nhà nghiên cứu Choi Moon-bak đề xuất:
Trước tiên, do thị trường tài chính và thương mại của Hàn Quốc đang mở
rộng cửa, nên Hàn Quốc khó có thể hạn chế các nguy cơ lan truyền từ các
nền kinh tế khác. Seoul phải chấp nhận những tác động tiêu cực ở một mức
độ nào đó, và đề ra các chính sách sáng suốt để giảm thiểu biến động tỷ
giá hối đoái. Việc các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi thị trường là
điều không tránh khỏi do những biến động về tỷ giá hối đoái hay giá cổ
phiếu. Chính phủ Hàn Quốc cần phải đưa ra các biện pháp để ngăn chặn sự
rút vốn ồ ạt và hạn chế những bất ổn trên thị trường để những nguy cơ đó
không biến thành khủng hoảng.
Tỷ giá hối đoái dao động mạnh nghĩa là thị trường tài chính của Hàn Quốc
dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng.
Vậy nên, việc cấp bách hiện nay là giới chức tài chính cần thực hiện
các biện pháp bảo vệ đồng won trước mọi yếu tố bất lợi.
Nguồn:
http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?no=5321
Khoa Hàn Quốc học - Faculty of Korean Studies - 한국학부
|